Với mức chi phí sinh hoạt thuộc loại thấp nhất so với các nước du học khác đồng thời ‘ăn điểm’ ở ưu thế bằng cấp quốc tế, học bằng tiếng Anh, thời tiết dễ chịu và xã hội ổn định,  Malaysia  đang là một trong những điểm du học được teen mình khoanh vùng nhiều nhất.

Trước khi khoác balô lên đường, hãy thử nghía qua những cẩm nang bổ ích mà các du học sinh Việt Nam tại Malaysia mách nhỏ cho teen nhé!

1. Join vào những hoạt động đầu tiên

Các trường học ở Malaysia sẽ chào đón teen mình bằng một tuần lễ đầu tiên vô cùng dễ chịu, được gọi là “tuần lễ định hướng” (Orientation week). Hiểu nôm na là khoảng thời gian để các tân sinh viên được “nhập môn” về ngôi trường và quy trình học tập của mình. Thế nên đừng băn khoăn quá nếu như ở Việt Nam teen còn chưa tìm hiểu được nhiều thông tin cụ thể.

Các sinh viên “tiền bối” sẽ hướng dẫn cho bạn những kiến thức cần thiết về trường, các khoa, nội quy, đăng kí môn học, các hoạt động tập thể và tập dượt cho lễ khai giảng hoành tráng nữa. Nếu như trường teen chọn đã có nhiều sinh viên Việt Nam du học thì coi như cầm chắc khoản lợi thế về “người nhà” rồi, còn nếu không thì teen cũng cứ vô tư đi, vì các sinh viên Malaysia rất thân thiện và luôn sẵn lòng giúp đỡ các tân binh xa nhà.

Du học sinh Việt Nam tại Malaysia. (Ảnh: Sơn Trường)

 

Tuần lễ đầu mang lại cho bạn rất nhiều thông tin bổ ích, vì thế đừng để tâm lý e ngại, hoặc do mít ướt vì… nhớ nhà mà bỏ lỡ khoảng thời gian thú vị này teen nhé.

2. Sẵn sàng tinh thần “màu cờ sắc áo”

Nghe to tát thế thôi, chứ thực ra là teen sẽ được dịp thể hiện về đất nước mình bằng chính khả năng “cây nhà lá vườn” ngay trong tuần lễ làm quen này. Các sinh viên quốc tế được khuyến khích biểu diễn một tiết mục truyền thống của đất nước, và sự thực là tiết mục của các bạn ấy rất đặc sắc, thế nên nếu teen muốn nở mũi vì “niềm tự hào dân tộc” thì hãy chuẩn bị ngay từ khi ở nhà một vài tiết mục thật tâm đắc. Nếu có thể mang theo một số trang phục hay đạo cụ dân tộc là tuyệt cú mèo nhất.

Xem thêm:  Du học sinh làm thêm tại Malaysia – Nên hay không nên?

Về khoản trang phục truyền thống này, một phương án siêu ổn cho các tân binh là tận dụng đồ của các anh chị đồng hương khóa trên, hoặc các bạn có thể liên lạc trực tiếp với Hội sinh viên Việt Nam trong trường để nhờ trợ giúp. Bởi vì các khóa trước cũng từng biểu diễn văn nghệ, nên các anh chị ấy thường có sẵn các đồ dùng cần thiết rồi.

Một mách nhỏ nữa cho teen là hãy chuẩn bị những món đồ lưu niệm nho nhỏ, đồ handmade càng tốt để tặng cho những người đầu tiên làm quen với bạn. Anh trai tớ đã “ghi điểm” ngay với một chị sinh viên bản xứ bằng một em búp bê Việt Nam đội nón lá đấy! Hihi.

Tiết mục ăn điểm của sinh viên Việt Nam. (Ảnh: Sơn Trường)

“Màu cờ” thì là thế, còn “sắc áo” cũng không tùy tiện được đâu nha. Malaysia vốn là quốc gia hồi giáo, mà đạo Hồi thì khe khắt trong chuyện trang phục… thôi rồi. Nhưng teen yên tâm, quy định của các trường học đều nằm trong phạm vi “chấp nhận được” chứ không quá gò bó đâu.

Tốt nhất là ngoài việc tìm hiểu về nội dung chương trình học, teen cũng cần trang bị những thông tin về nội quy trang phục, kiểu tóc hay phong cách thời trang mà bạn được cho phép khi theo học tại trường đã chọn nhé.

Đặc biệt cần lưu tâm đến trang phục cho lễ khai giảng đầu tiên ở trường mới. Chẳng ai lại muốn những sự cố kiểu như “rất nhiều bạn nữ khi mới sang trường mình, do không tìm hiểu kĩ về quy định trang phục cho lễ khai giảng nên không có đủ bộ quần âu, giày đen và áo sơmi trắng, may mà được các chị khóa trên “cứu bồ” cho mượn kịp thời để chữa cháy” – Hoàng Sơn Trường- du học sinh tại Universiti Teknologi Petronas, Malaysia chia sẻ. Rốt cuộc là suýt tý nữa buổi lễ kỷ niệm khó quên trong sự nghiệp du học bị đổ bể tan tành.

Xem thêm:  Kinh nghiệm du học - Xin visa ở châu Á là dễ nhất

Mách nhỏ: các bạn nữ nên mang theo áo dài truyền thống để mặc trong những dịp cần thiết.

3. Lựa chọn chương trình học thiết thực

Chương trình giáo dục bậc phổ thông ở Malaysia tương đối khác so với ở Việt Nam, vì thế khi đăng ký sang học bên này nhà trường sẽ yêu cầu teen phải học chương trình dự bị (foundation program) trước khi vào học đại học.

Thật ra thì mức độ kiến thức của chương trình dự bị bên này không khác mấy so với chương trình lớp 12 của chúng mình. Vì vậy nếu bạn tốt nghiệp loại khá giỏi bậc phổ thông, và nhất là nếu bạn đã học xong năm thứ nhất đại học ở nhà rồi thì cứ mạnh dạn viết đơn xin nhà trường miễn theo học chương trình này. Nhớ là bạn cần chuẩn bị sẵn học bạ cấp ba hoặc là bảng điểm năm thứ nhất đại học, cùng với miêu tả chi tiết các môn học (syllabus) để nhà trường kiểm tra nhé.

Theo kinh nghiệm của các sinh viên nhà mình hiện du học ở quốc gia tháp đôi thì đây là một việc nên làm, bởi vì miễn được chương trình dự bị sẽ rút ngắn được 1 năm học, tiết kiệm cho teen một khoản thời gian và tiền bạc không hề nhỏ đâu đấy.

Mai Anh
(Ghi theo Sơn Trường – đại học UTP – Bandar Seri Iskandar, 31750 Tronoh, Perak, Malaysia)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here